NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ NĂM 2022
1. Quan điểm, định hướng, mục tiêu chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022:
Thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; Quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 15/5/2018 về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; định hướng xây dựng Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022 theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 3013/BKHĐT-ĐTNN ngày 20/5/2021, Ban Quản lý xây dựng Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022 theo định hướng:
- Tiếp tục xây dựng Chương trình XTĐT theo ngành, lĩnh vực; thị trường và đối tác đầu tư đã được xác định cho cả thời kỳ 2021-2025, trong đó tiếp tục duy trì các thị trường và đối tác truyền thống, đồng thời mở rộng thị trường đối tác mới theo các Hiệp định đa phương hoặc song phương mà Việt Nam đã ký kết và tham gia; Các tiêu chí xây dựng nội dung hoạt động XTĐT đã được triển khai trong những năm qua; Xúc tiến đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao, ứng dụng công nghệ, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường; thu hút đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Trong đó, đặc biệt chú trọng các ngành nghề công nghệ mới như: công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới….
- Tiếp tục thu hút đầu tư vào 06 nhóm dự án trọng điểm vùng Đông Nam tỉnh Quảng Nam theo Nghị quyết số 07/NQ-TU ngày 04/5/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam về định hướng phát triển vùng Đông Nam của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, cụ thể:
+ Nhóm các dự án đô thị du lịch ven biển, ven sông (tổ chức lại Nhóm dự án Khu đô thị, du lịch Nam Hội An);
+ Nhóm dự án ô tô và cơ khí đa dụng;
+ Nhóm dự án các khu công nghiệp và khu công nghiệp công nghệ cao;
+ Nhóm dự án công nghiệp và dịch vụ hàng không;
+ Nhóm cảng biển và logistic Chu Lai;
+ Nhóm nông nghiệp hàng hóa an toàn ứng dụng công nghệ.
- Hoạt động xúc tiến đầu tư phải có tác động thiết thưc đến thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực vào các lĩnh vực, địa bàn, phải có tính khả thi về nội dung, phương thức, thời gian, địa điểm, kinh phí
- Kiên trì thực hiện đồng bộ các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin một cách toàn diện, đồng bộ trong giải quyết thủ tục hành chính; Thực hiện công khai, minh bạch về quy hoạch, thủ tục hành chính và chính sách xúc tiến đầu tư.
2. Mục tiêu:
- Khai thác, tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có để thu hút đầu tư thế mạnh.
- Xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng, có tính cạnh tranh cao, đảm bảo an ninh, an toàn, gắn thu hút đầu tư có chọn lọc với đảm bảo quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường, cam kết quốc tế.
- Phấn đấu thu hút đầu tư: Vốn đăng ký đầu tư thu hút 300 triệu USD.
- Tỉ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2022.
- Tỷ trọng lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động chiếm 70%.
3. Chương trình xúc tiến đầu tư:
a) Nghiên cứu, đánh giá tiềm năng thị trường, xu hướng, đối tác đầu tư
- Tham mưu kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, kết nối với Đại sứ quán Việt Nam tại các nước, các tổ chức có chức năng hỗ trợ đầu tư và Hiệp hội doanh nghiệp các nước để nghiên cứu, đánh giá, xác định một số tập đoàn lớn có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại thị trường Đông Nam Á; Nghiên cứu môi trường, mô hình hoạt động của khu thương mại tự do, khu phi thuế quan tại một số nước.
- Nghiên cứu, đánh giá đối tác hướng đến các dự án trọng điểm thu hút đầu tư, các nhóm đối tượng ưu tiên xúc tiến. Trong đó tập trung vào nhóm thị trường Nhật bản, Hàn quốc, Đài Loan, Singapore, Mỹ và các đối tác là thành viên của Hiệp định CPTPP, EVFTA
b) Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư
- Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xây dựng tài liệu xúc tiến đầu tư, tạo cơ hội cho nhà đầu tư dễ dàng cập nhật các thông tin đầu tư, doanh nghiệp, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư. Trong đó, tập trung xây dựng phần mềm và cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực: lao động, đầu tư, đất đai, môi trường, thương mại, quản lý doanh nghiệp và phục vụ công tác xúc tiến đầu tư tại các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam; Xây dựng dữ liệu và kết nối với các tổ chức tư vấn đầu tư nước ngoài, đại sứ quán, lãnh sự quán của các nước tại Việt Nam.
- Thực hiện công khai các thông tin dữ liệu trên cổng thông tin điện tử Ban Quản lý để nhà đầu tư quan tâm tra cứu, phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu, lựa chọn đầu tư; Cập nhật, duy trì, nâng cấp Website của Ban Quản lý và phiên dịch sang Tiếng Anh, Tiếng Hàn để nhà đầu tư nước ngoài tiện tra cứu.
- Làm việc với Bộ, ngành Trung ương về cơ chế chính sách đối với các dự án trọng điểm
c) Xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư
- Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, lợi thế của các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam để xây dựng, cập nhập thông tin những dự án trọng điểm kêu gọi, thu hút đầu tư phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh
- Xây dựng danh mục dự án trọng điểm thu hút đầu tư năm 2022.
d) Xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ xúc tiến đầu tư
- Thiết kế, xây dựng các ấn phẩm, brochure, video, slide… giới thiệu về các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam bằng các thứ tiếng (Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản…); thực hiện các phim tài liệu, phóng sự ngắn quảng bá hình ảnh về các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam.
- Thiết kế, in ấn sổ tay hướng dẫn về trình tự, thủ tục đầu tư tại các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam.
- Xây dựng các dự án cơ hội phục vụ việc xúc tiến đầu tư các dự án.
- Công bố công khai quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất để nhà đầu tư tiện tra cứu.
đ) Tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư
- Tổ chức hoặc tham gia các hội nghị, hội thảo, diễn đàn, tọa đàm về xúc tiến đầu tư; Tổ chức đón tiếp các nhà đầu tư; Các đoàn khách trong và ngoài nước đến thăm và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại KKT, KCN.
- Phối hợp với các đơn vị truyền thông, báo chí thực hiện tuyên truyền, quảng bá các cơ chế chính sách, môi trường đầu tư vào các KKT&KCN tỉnh Quảng Nam.
- Xây dựng trang quảng bá, kết nối thông tin với các nhà đầu tư thông qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh như Zalo, viber…Ứng dụng công nghệ để tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư trực tuyến hoặc trực tiếp.
e) Đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực về xúc tiến đầu tư
- Tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm về phát triển, mô hình quản lý các Khu kinh tế, khu công nghiệp và xúc tiến đầu tư;
- Thường xuyên cử công chức tham gia các lớp đào tạo bồi dưỡng kiến thức về đầu tư, hội nhập quốc tế, đối ngoại do các Bộ, ngành TW và địa phương tổ chức
f) Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư
- Hỗ trợ nhà đầu tư trong việc tìm hiểu về cơ chế chính sách, thủ tục đầu tư, tiềm năng, thị trường, đối tác và cơ hội đầu tư; triển khai dự án sau cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư.
- Tổ chức các lớp tập huấn vận hành Cổng thông tin đầu tư nước ngoài và hội nghị tập huấn pháp luật về đầu tư cho doanh nghiệp.
- Thực hiện tốt các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường các hoạt động xúc tiên đầu tư tại chỗ; Tổ chức đối thoại hoặc tham gia tiếp xúc doanh nghiệp định kỳ để trao đổi, giải đáp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.
g) Hoạt động hợp tác về xúc tiến đầu tư
- Kết nối, làm việc với các Tổ chức Xúc tiến đầu tư, thương mại: JETRO (Nhật bản); KOTRA (Hàn Quốc) và Hiệp hội thương mại châu Âu (EUROCHAM) tại Việt Nam… để hợp tác xúc tiến đầu tư;
- Thực hiện có hiệu quả công tác khảo sát, hợp tác với các địa phương, các đơn vị tư vấn đầu tư để tổ chức xúc tiến, kêu gọi đầu tư